Một phụ nữ vì lý do nào đó không lấy được chồng, can đảm vượt qua khuôn phép, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, dám tuyên bố rằng nếu người đàn ông nào “cho” cô một đứa con, cô sẵn sàng biếu người đó ba tạ thóc. Điều này có nhiều cô bắt chước làm theo, nay không còn là chuyện lạ ở xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ nữa.
Đường vào xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình
An Hiệp là một trong 40 xã thuộc huyện Quỳnh Phụ, tức hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực hợp lại từ năm 1969. Dân chúng trong xã hầu hết sống về nghề nông, nhưng với mật độ dân số nói chung của tỉnh Thái Bình lên tới 1139 người/km2, cao nhất trong nước (theo tài liệu thống kê năm 1999, nay còn cao hơn nữa do vấn đề y tế có khá hơn).
Mỗi người từ 18 tuổi trở lên trong xã chỉ được chia 1 sào ta, tức 360m2 ruộng nên làm không đủ ăn. (Trong Nam, 1 sào tây hay 1 công đất = 1.000m2, gần gấp 3 lần sào ngoài Trung và ngoài Bắc, trong khi dân chúng lại thưa hơn, mật độ trung bình 271 người/km2).
Thanh niên bỏ đi làm ăn xa nhiều và cũng ngại lập gia đình, nên số phụ nữ gặp hoàn cảnh muộn màng không phải là ít. Cách đây mấy năm, xã An Hiệp có 4.397 người nhưng có tới vài chục phụ nữ muộn màng. Họ phải tìm cách tự mình giải quyết cho mình vậy thôi.
“Ai cho tôi đứa con tôi biếu 3 tạ thóc!”
Phụ nữ xã An Vũ (Quỳnh Phụ) in hoa văn trên sản phẩm chiếu cói truyền thống.
Chị Phan Thanh Bình ở xóm 5 là cán bộ trong Ban chấp hành hội phụ nữ xã. Không đui què sứt mẻ gì, chỉ đơn giản là lúc còn trẻ tuổi chị ham hoạt động, thích giữ chức vụ nọ chức vụ kia rất “oai” nên các thanh niên… sợ, không dám với tới.
Quay đi quay lại, tuổi xuân qua đi lúc nào không hay. Bố mẹ đã mất vì tuổi già, lúc ấy chị Bình mới thấm thía nỗi cô đơn. Thì ra mình đã 40 tuổi rồi, chỉ còn 15 năm nữa là đến tuổi về hưu. Lúc ấy thì làm gì, sống với ai? Sao mình dại thế nhỉ, suốt tuổi thanh xuân cứ hùng hục “ăn cơm nhà vác ngà voi” với số lương chết đói của ủy ban xã hơn 2 triệu đồng/tháng, mọi việc lúa má, đồng áng đẻ mặc cho bố mẹ trông nom. Bây giờ bố mẹ mất, mình sống một mình, chồng con không có, sau này thì nhờ cậy ai? Chị Bình quyết định xin nghỉ việc rồi sẽ “xin” một đứa con. Chị nghĩ mình 40 tuổi, sinh con còn được với điều điện có người chịu “cho giống”.
Nghĩ là làm. Một lần gặp anh cán bộ huyện đẹp trai mà chị vẫn thầm yêu hồi còn con gái nhưng anh ấy đã có gia đình. Chị nói bóng gió về việc muốn “xin” anh một đứa con. Anh cười vui vẻ, nói rất dễ dàng: “Tối anh đến nhé!”. Tối anh đến thật. Sau khi “làm” xong chuyện đó, anh đưa cho chị một viên thuốc và bảo uống ngay đi, uống viên thuốc này cho dễ đậu thai chứ mai anh về huyện rồi, không biết bao lâu mới có dịp xuống nữa. Chị ngoan ngoãn nghe theo. Mãi chẳng thấy mình có thai, hỏi mấy chị cùng cảnh ngộ bấy giờ chị mới biết đó là thuốc tránh thai.
Chị Bình tức lắm. Ít lâu sau chị lại đánh tiếng: “Ai cho tôi xin đứa con tôi biếu 3 tạ thóc”.
Mỗi tạ thóc là 100 ký, tức tương đương với hơn 50 cân gạo. Giá mỗi cân gạo lúc ấy là 10.000 đồng, như vậy 3 tạ thóc giá vào khoảng hơn 1,5 triệu đồng chứ không phải ít. Chị Bình treo “giải thưởng” khá hấp dẫn giống như các chị trong xã đã làm, quả nhiên năm sau chị có bầu rồi sinh một đứa con trai…
Không dạn dĩ như chị Bình, chị Vĩnh xử sự kín đáo hơn với người mà mình muốn xin con. Ban đầu, chị mời anh T. – người đàn ông là bố đứa con của chị sau này – vào nhà uống nước. Vài lần như vậy, bấy giờ chị mới nói với anh nguyện vọng của mình là muốn có đứa con. Anh T. đã có vợ, sinh bốn lần nhưng cả bốn đều là con gái. Anh đồng ý ngay, đã thế lại còn ngỏ ý muốn lấy chị làm vợ lẻ. Chị Vĩnh nói: “Em nhát lắm, không dám làm lẻ đâu.
Em chỉ muốn xin anh một đứa con thôi, anh cho được thì cho, không cho được thì em phải xin người khác”… Chị Vĩnh không đẹp, lại hay đau yếu nên anh T. cũng thôi, không đòi hỏi chị phải làm lẻ. Anh qua lại nhiều lần, thế rồi chị có bầu, bất ngờ lại sinh con trai. Thằng bé giống “bố” như đúc, cũng khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn chứ không yếu đuối như mẹ. Anh T. tiếc, nói chuyện um lên với bạn bè để chứng tỏ rằng mình cũng có khả năng sinh con trai.
Chuyện đến tai chị T. tức vợ anh T. (ngoài Bắc, nhất là ở nhà quê thường gọi vợ theo tên chồng.- ĐD) nhưng chị không ghen, trái lại lại còn quà cáp, thỉnh thoảng đến chơi thăm thằng bé và xưng “mẹ” với nó làm như chị là vợ cả của anh T. còn chị Vĩnh là vợ lẻ. Hàng xóm láng giềng thấy chuyện hay hay nên thường nói đùa với chị Vĩnh: “Chị T. chị ấy hiền như thế, thôi thì lấy làm lẻ anh T. quách đi cho được việc”. Chị Vĩnh lắc đầu lè lưỡi: “Không dám đâu. Bây giờ cháu có con rồi, sống một mình nuôi con là ổn hơn cả”. “Thế khai sinh cho thằng bé thì cô khai ra sao?”. “Cháu khai theo họ mẹ tức họ của cháu. Nhà nước cho phép phụ nữ đơn thân mà có con thì khai sinh cho con theo họ mẹ, không cần tên cha”.
Trường hợp chị Mai giáo viên tiểu học thì lại khác. Chị kể: “Mình là giáo viên nên cũng hơi ngần ngại, sợ phụ huynh học sinh không thông cảm, nói này nói nọ thì dạy ai. Nhưng rồi các bạn nữ ủng hộ, lãnh đạo nhà trường tuy không nói ra nhưng cũng không phản đối nên mình đánh liều “nhắm mắt đưa chân”. Té ra làm nghề dạy học lại đâm khó. Đàn ông ở quê hơi ít chữ nghĩa nên họ nể, không muốn “làm phiền” đến cô giáo. Còn các nam đồng nghiệp thì họ ngại. Người còn ít tuổi chưa lập gia đình thì họ sợ dây dưa, phải lấy vợ “già”.
Những người lớn tuổi, đã có gia đình thì sợ bị mang tiếng, gây phiền phức tới vợ con. Cuối cùng, chẳng biết làm cách nào, mình đành đánh tiếng: “Ai cho tôi đứa con, nếu sinh con gái tôi sẽ biếu 3 tạ thóc, nếu sinh con trai tôi biếu 4 tạ”, sau đó mình sinh cô con gái. Và chị Mai cười nói đùa: “Chắc mình phải kiếm thêm một cậu con trai nữa quá. Chuyện con cái là một việc mà họ “làm” thì cũng…thích, mình chưa từng trải qua như vậy!”.
Chuyện đánh tiếng xin con rồi hứa sẽ trả bằng thóc ở An Hiệp bây giờ không có gì là lạ, thậm chí có nhiều người còn nói đùa việc đó đã trở thành… phong tục của làng.
Trên thực tế, sau khi người phụ nữ sinh con, chẳng anh đàn ông nào dám đòi công “lao động” trong chuyện này. Hình như lời hứa 3 tạ thóc chỉ là một tín hiệu cho biết người phụ nữ đang muốn sinh một đứa con, sẵn sàng ăn nằm với bất cứ người đàn ông nào có thể “cho con” họ vậy thôi.
Còn về phần đàn ông, tại sao “lao động” lại không cần lấy công “lao động”? Có phải họ ăn nằm với người phụ nữ là do tham 3 hay 4 tạ thóc hay không? Không, ở thành phố, những anh chàng “điếm đực” mới làm như thế để kiếm tiền chứ ở nhà quê thì không, họ bí mật đến với người phụ nữ chỉ vì cái bản năng đàn ông tham lam của lạ mà thôi.
Tôi xin lỗi phải đưa ra hai câu hơi tục để giải thích về cái “bản năng đàn ông” mà tạo hóa đã bày đặt ra này. Vâng, câu thứ nhất các cụ ta nói: “Trai thấy …lạ như quạ thấy gà con”; và câu thứ hai: “Một cái …lạ bằng nửa tạ đường”. Nửa tạ đường thì ngon lành quá phải không thưa quý bạn? Bởi vậy người đàn ông đến với người phụ nữ dù cô ta xấu xí hay đã lớn tuổi là do bản năng đàn ông tham lam chứ không phải do “giải thưởng” 3 hay 4 tạ thóc.
Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, ở An Hiệp nông nghiệp là công việc chính trong khi mỗi người từ 18 tuổi trở lên chỉ được nhận 360 m2 đất, làm không đủ ăn, ngay đến một gia đình cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh mà còn gặp nhiều khó khăn huống chi những phụ nữ một thân một mình lại phải nuôi con. Mặc dầu ở Xóm Bến (An Hiệp nằm giáp với một nhánh của con sông Hồng) có những đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng các chị cũng không thể chở đá, chở cát mãi mãi khi tuổi đã lớn và mỗi buổi các chị chỉ có thể kiếm được từ 15 tới 20 ngàn đồng, tương đương với 1 đô la Mỹ.
Chính cái ước muốn có đứa con để sau này có chỗ nương tựa làm cho cuộc sống của các chị đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Theo tôi nghĩ, các chị đáng thương hơn là đáng trách. Chả có gì để trách các chị.
*** Note: hình trong bài này là minh họa
Đoàn Dự
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét