Ngôi làng Ban Klang trở thành tâm điểm khi chống một dự án đảo dòng nước từ sông Mekong vào qua làng họ
Ban (làng) Klang nằm kín đáo trên một địa thế hiểm trở giữa các ngọn đồi ở tỉnh Loei, Thái Lan. Dân làng chậm rãi ra về sau một ngày làm việc nóng bức trên những đỉnh đồi xanh mướt cao su và khoai mì.
Mở sông, đảo dòng
Trái với cảnh bình yên đó, người khách lạ ghé thăm có thể ngạc nhiên trước những tấm băng-rôn căng rộng giữa cổng làng: “Chúng tôi không muốn cửa nước”, “Chúng tôi cần sông Loei”, “Không được nhấn chìm làng”. Thật vậy, Ban Klang không thể ngờ đến một lúc, họ đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh chấp nguồn nước, thậm chí tiềm ẩn trở thành “điểm nóng” của những mùa hạn hán tương lai trên dòng sông Mekong.
Buổi sáng tôi đến, Ban Klang họp để nói về những đường hầm dẫn nước tương lai có thể được xây trên sông Loei và một cửa nước tên Si Song Rak.
Bà Prawin, 52 tuổi, nói: “Tôi sinh ra ở làng này. Năm nay hạn hán, nhưng về mùa hạn, chúng tôi không trồng gì nhiều, mà chỉ xuống sông Loei bắt cá, bắt ốc. Mỗi ngày cũng kiếm được 300-400 baht. Nếu người ta đào sông Loei lên để xây đường hầm, chúng tôi sẽ không còn cá để bắt. Vậy phải sống ra sao vào mùa nắng?”
Làng Klang của bà nằm cạnh sông Loei. Con sông chỉ là một đoạn nước mỏng manh, hẹp và trong veo, uốn khúc đi qua làng. Nhưng con sông có thể sẽ không còn là nó nữa nếu dự án đầy tham vọng Kong –Loei - Chi – Mun được thành hình, nhằm giữ nước lại cho Thái Lan trong những mùa khô hạn.
Dự án Kong – Lei – Chi – Mun được mô tả sẽ nạo vét đáy sông Loei sâu thêm 5m. Theo dự án này, cửa sông Loei, quãng đổ từ dòng chính sông Mekong vào, sẽ được cơi nới rộng thêm 250m, để nước từ sông Mekong đổ vào.
Theo dự án, con sông nông và hẹp này sẽ được nạo vét sâu thêm 5m để làm hầm dẫn nước
Sau đó, chính phủ Thái Lan dự định xây dựng 24 đường hầm ở đáy sông Loei, để nước theo “trọng lực” chảy vào Loei, dẫn tới các sông Chi, sông Mun, trữ ở đấy, đề phòng cho những mùa hạn hán nghiêm trọng sau này có thể xảy ra ở nhiều tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan như năm nay.
Bà Sorarat Kaewsa – trưởng làng Ban Khang – nói: “Làng chúng tôi chưa bao giờ thiếu nước. Chúng tôi trồng cao su, khoai mì, nhiều gia đình đều có đào hồ chứa nước. Làng không dùng nước từ sông Loei. Mùa hè, dân làng đánh bắt cá tôm từ sông Loei, nếu họ đào dòng sông lên, sẽ không còn tôm cá, mùa hè người làng không thể kiếm sống nữa.”
Trên tấm bản đồ vẽ tay theo kiểu nông dân, bà Sorarat và dân làng Ban Khang nói về những lo sợ của họ: cửa nước Si Song Rak và những đường ngầm được đào sâu xuống sông Loei, để đưa nước từ dòng chính sông Mekong vào.
Con sông của ngôi làng hơn 400 tuổi sắp chịu một cơn “đại phẫu” trong cơn khát tàn bạo của cả khu vực.
Cuộc chiến của nước?
Trong một cuộc gặp với báo giới tại Chiang Khan, khi bị chất vấn về tính khả thi của dự án, bà Chawee Wongprasittiporn – Giám đốc dự án của Cục Thuỷ lợi Hoàng gia Thái Lan – nói: “Không phải 24 đường hầm sẽ được xây ngay lập tức, chúng tôi vẫn còn mâu thuẫn với dân làng cần phải thảo luận. Chúng tôi sẽ có thể xây trước 1 -2 đường hầm, sau đó dẫn nước và theo dõi. Nếu có sự cố gì, chúng tôi sẽ điều chỉnh dự án để phù hợp hơn.”
Lượng nước mà Thái Lan sẽ lấy từ dòng chính sông Mekong vào trong giai đoạn đầu của dự án, bà Chawee nói “có thể khoảng 2.036 triệu m3 nước/năm”.
“Chúng tôi sẽ cố gắng không lấy nước từ sông Mekong vào tháng Ba, tháng Tư, những thời điểm mùa khô nhất của sông Mekong để không ảnh hưởng nhiều đến hạ nguồn.” – Bà Chawee nói.
Buổi chiều cùng ngày, ông Chanarong Wongla – đại diện cộng đồng ngư dân tại Chiang Khan, chở tôi đi thuyền đến miệng sông Loei hướng vào dòng Mekong.
Đến một quãng sông hẹp với cây cối và phù sa màu mỡ, ông Chanarong chỉ dẫn: “Đây chính là miệng sông Loei, nơi chính phủ dự định sẽ nạo vét và mở rộng miệng sông. Động vật thuỷ sinh, bùn trong sông Loei chính là nơi giúp cá ghé vào đẻ trứng. Hãy tưởng tượng nếu nó bị nạo vét và mở rộng, dòng nước chảy mạnh, sẽ không còn nơi cho cá trú ẩn nữa.”
Ông Chanarong cũng là người có kinh nghiệm hướng dẫn ngư dân cùng với các nhà khoa học làm khảo sát về nguồn cá, nguồn nước tại tỉnh Loei.
Mô hình của cửa nước Si Song Rak để điều khiển nước từ sông Mekong vào nếu Thái Lan quyết định lấy nước.
Ông nói: “Nếu dự án xảy ra, vấn đề là nó sẽ lấy nước từ dòng chính sông Mekong. Những nhà khoa học làm việc với chúng tôi nói với các nước hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam, họ lo ngại sẽ xảy ra một thứ gần như cuộc chiến giành nước, bởi vì Thái Lan sẽ lấy một lượng nước khỏi dòng sông.”
“Tôi không rõ nếu Thái Lan lấy nước, liệu có còn đủ nước cho các nước hạ nguồn hay không, liệu có còn đủ nước để tránh bị xâm nhập mặn ở đồng bằng ở Việt Nam hay không.
Có thể dự án này sẽ ảnh hưởng đến đất ở đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam.”
Số phận hạ nguồn?
Trước câu hỏi, liệu Thái Lan có nghĩ đến Campuchia hay Việt Nam trong dự án lấy nước này không, bà Chawee Wongprasittiporn nói: “Về nghiên cứu về việc lấy nước từ sông Mekong từ thượng nguồn. Chúng tôi cố gắng lấy thông tin từ MRC, cố gắng xem tác động từ sông Loei, xem tác động giữa phần Lào và Thái Lan.”
“Chúng tôi sẽ cố gắng mô phỏng xem dòng chảy thay đổi ra sao khi đến Campuchia và Việt Nam, so sánh những thay đổi ở phía Campuchia và Việt Nam trước khi chúng tôi dẫn nước và sau khi dẫn nước, sau đó sẽ gửi cho MRC để ra quyết định.”
“Nhưng cho tới giờ, chúng tôi chưa có thông tin từ phía Lào nên chưa thể mô phỏng tác động xuống Campuchia và Việt Nam được.” – Bà Chawee nói.
"Chúng tôi cố gắng xem xét, càng nhiều càng tốt, trong khả năng của mình”.
Theo trình bày của Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan, dự án này sẽ lấy khoảng 4 tỷ m3 nước/năm từ dòng Mekong.
Lấy nước có ảnh hưởng tới Đồng bằng Sông Cửu Long?
Tại Việt Nam, nhiều tháng qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu rất nhiều thiệt hại vì xâm nhập mặn và hạn hán.
Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Thành phố Cần Thơ nói: “Lượng nước lấy như thế vào mùa mưa thì có thể chấp nhận được. Nhưng vào mùa khô, đặc biệt như mùa khô năm 2010 thì lại chiếm khoảng 10% lưu lượng bình quân ngày tại Tân Châu trong tháng 5/2010, thì là một lượng nước rất lớn gây nguy cơ xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long các tháng mùa khô.”
Trung Cộng và Lào làm thủy điện, Thái Lan lấy nước, số phận những cư dân cuối nguồn như Việt Nam sẽ ra sao?
Lan Phương