Hễ sáng nào bạn cũng muốn ngủ thêm một chút nữa thì đừng tự trách mình. Lỗi là ở lịch làm việc.
Một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển cho thấy đối với nhiều người thì lịch làm việc không đồng bộ với đồng hồ tự nhiên của cơ thể và các chuyên gia đang thúc giục người tuyển dụng lao động lưu ý.
Ngủ là một “nguồn lực chiến lược” mà phần lớn các công ty bỏ qua, theo sách trắng của Christopher Barnes, giáo sư về quản lý của Trường kinh doanh Foster thuộc Đại học ở Washington.
Khi lịch làm việc thích ứng với yêu cầu ngủ tự nhiên của một người thì họ sẽ làm ra sản phẩm chuẩn hơn và có sáng tạo hơn vì họ tập trung hơn, không bị căng thẳng, nhìn chung là lành mạnh hơn, ông viết. Ngược lại thì cũng vậy, nếu không được ngủ cho đúng họ sẽ dễ mắc sai lầm và bị tổn thương. Nghiên cứu của ông thậm chí còn cho thấy người hay thức đêm có hoạt động lệch lạc hơn vào buổi sáng so với ban đêm và những người thường dậy sớm lại lệch lạc hơn về đêm.
Nhưng điều này không hẳn liên quan đến số giờ ngủ. Bạn có năng suất cao hay không lúc 8 giờ sáng là phụ thuộc vào nhịp sinh học trong một ngày. Mọi sinh vật, từ vi khuẩn cho đến con người, đều có một đồng hồ cơ thể nội tại được xác định sinh học, Till Roenneberg, giáo sư thời nhịp sinh học của Viện Tâm Lý Y khoa của Đại học Ludwig-Maximilian, Munich. Và đồng hồ này có thể là khác nhau nhiều tùy theo người.
“Cũng như bàn chân” Roenneberg nói. “Có người bàn chân to, có người nhỏ, nhưng phần lớn là khoảng trung bình”.
Theo Roenneberg thì vấn đề là cuộc sống của chúng ta lại không tính đến nhịp sinh học cần có khi chúng ta phần lớn dành thời gian không làm việc ở ngoài trời. Nhiều công ty bắt đầu giờ làm việc vào 8 hoặc 9 giờ sáng và lịch làm việc sai lệch với đồng hồ cơ thể của nhân viên.
Sự không khớp này cùng với sức ép phải hiệu quả trong công việc và sẵn sàng trả lời các email và cuộc gọi bất kỳ giờ nào, ngày cũng như đêm, làm cho nhiều người mà ông gọi là “lệch múi giờ xã hội”. Nói cách khác, cơ thể họ luôn luôn ở sai múi giờ. Ông ước tính rằng hơn 70% số người phải dậy sớm hơn thời gian thích hợp để họ được nghỉ thoải mái và làm việc ở mức tốt nhất của mình.
Khi thói quen lấn át sinh học
Sự trênh lệch giữa đồng hồ nội tại của con người với lịch làm việc mà họ phải tuân thủ để sinh sống được bắt đầu từ thuở niên thiếu, Paul Kelley, từ viện Giấc Ngủ Và Thần Kinh Học Nhật Kỳ của trường Đại Học Oxford, Anh, nói. Ông Kelly nói rằng phần lớn đồng hồ cơ thể bắt đầu hoạt động vào tuổi dậy thì. Vào lúc đó chúng ở tuổi học sinh trung học và phải dậy sớm hơn trung bình là khoảng 3 giờ so với nhu cầu vì lớp học buổi sáng bắt đầu có khi từ 7 giờ 30. Kết quả là mất ngủ kinh niên làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung và có thể dẫn tới vấn đề sức khỏe lâu đài như béo phì và tiểu đường, ông nói. Vì có thúc ép y tế công cộng nên một số trường ở Mỹ và Anh đang chuyển giờ bắt đầu học muộn hơn.
Khi con người trưởng thành thì đồng hồ cơ thể bắt đầu chuyển trở lại về dậy sớm hơn, nhưng Kelley nói phần lớn những người đang làm việc vẫn phải dậy quá sớm. Ông nghĩ rằng ngày làm việc lý tưởng nên bắt đầu từ 10 giờ sáng.
Bắt đầu làm việc từ 8 giờ là không hợp lý, ông nói. Nhưng như vậy là chống lại khuôn mẫu làm việc của cơ quan, ở đây ai đi làm sớm được coi là cần mẫn và có ý thức, còn ai làm việc theo giờ muộn bị coi là lười. Kelley lập luận là “nhịp nhật kỳ của cơ thể là do sinh học kiểm soát, không phải theo tục lệ”.
Còn Barnes cho rằng việc thiên vị với làm việc sớm là một trong những lý do vì sao chủ trương làm việc theo giờ linh hoạt thường gặp phải sự phản đối. Barnes đã nghiên cứu làm việc theo giờ linh hoạt với một số nhân viên ở các công ty khác nhau và thấy rằng những người chọn thời gian bắt đầu sớm thường được đánh giá là tốt hơn và được cho điểm thành tích cao hơn mặc dù họ làm việc với cùng số giờ. Quan điểm thiên vị này cản trở “cách thức xếp lịch làm việc của từng nhân viên theo đúng với đồng hồ sinh học của họ”, ông nói vậy trong một email.
Khuyến khích ngủ
Sử dụng nghiên cứu của mình về “loại thời hoạt” (một từ để chỉ một người hoạt động từ sáng sớm hay người hay thức đêm), Roenneberg đã làm các thử nghiệm tại một nhà máy xe ô tô Volkswagen và một nhà máy thép ThyssenKrup, đều ở Đức. Ông điều chỉnh ca làm việc để phù hợp với đồng hồ cơ thể họ, “người ban mai” thì làm việc ca sáng, “người khuya khoắt” thì ca chiều và đêm. Cả hai nhóm đều có năng suất cao hơn, khỏe hơn và ít mệt hơn cả khi làm việc lẫn khi nghỉ ngơi.
Ryan Olson, một nhà khoa học ở Viện Sức Khỏe Nghề Nghiệp Oregon ở Mỹ, cũng phát hiện thấy như vậy đối với nhân viên văn phòng. “Với công nghệ ngày nay không có lý do gì để giữ lịch làm việc cứng nhắc,” ông nói.
Olson đã hỗ trợ tiến hành một nghiên cứu kéo dài một năm đối với nhân viên tại một hãng công nghệ thông tin quốc tế. Trước khi nghiên cứu, nhân viên phải đến văn phòng khoảng 8-9 giờ sáng và cũng phải nghe các cuộc gọi của đồng nghiệp trên khắp thế giới vào giữa đêm. Để tránh thiên vị với người đi sớm, các nhân viên trong diện nghiên cứu được tự do làm việc theo lịch linh hoạt với điều kiện ra được sản phẩm nhất định, thí dụ như viết xong mã code giao lại cho đồng nghiệp hoặc hoàn thành dự án cho khách hàng.
“Nếu bạn không cho thời gian là quan trọng thì bạn phải quyết định xem trả lương cho nhân viên là để mang lại kết quả gì,” ông nói.
Chương trình kéo dài ba tháng của Olson gồm cả việc đào tạo, dạy nhân viên ngừng đánh giá cách sử dụng thời gian của đồng nghiệp và cải tiến hoạt động để họ biết ưu tiên hóa thời gian riêng tư. Trong nghiên cứu, nhân viên được khuyến khích làm các việc như bỏ đi làm việc vặt một chút hoặc tham dự sự kiện ở trường của con cái vào giữa buổi. Chương trình này nhằm giúp nhân viên cân đối công việc và cuộc sống gia đình, nhưng cũng dành thêm giờ ngủ trong tuần mà tổng cộng lại cũng bằng khoảng một tuần ngủ trong một năm.
Olson nói rằng lợi ích của việc ngủ thêm kéo dài một năm sau khi nghiên cứu bắt đầu và công ty đang xem xét cần thực hiện những thay đổi nào để cải tổ lâu dài.
“Có một câu tục ngữ cổ nói rằng ngủ là dành cho kẻ yếu,” Olson nói. Nhưng ngày nay, “tôi thực sự nghĩ rằng đang có sự chuyển đổi mà người ta thấy rằng rút ngắn giấc ngủ không giúp ích được gì. Ngủ là một chủ đề mà các công ty muốn được nghe.”
Renuka Rayasam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét