Nhiều người Việt Nam tranh cướp nhau khi ăn buffet
Vì xấu hổ, vì danh dự của một quốc gia, đại diện Đại sứ quan tại Malaysia phải chắp tay xin lỗi quan khách vì bị lấy hết đồ ăn.
Câu chuyện trên được ông Trương Văn Món – Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm kể với Đất Việt.
Đại sứ phải cúi đầu
Ông Món kể: "Tôi từng ở Malaysia 3 năm và là thành viên trong ban bí thư chi bộ. Ở Malaysia, mỗi khi đến dịp lễ 2/9, Đại sứ quán Việt Nam tổ chức sự kiện rất lớn, có mời đại diện Đại sứ quán các nước khác và người lao động Việt Nam ở nước ngoài tới dự. Chúng tôi được yêu cầu hỗ trợ tổ chức chương trình đón tiếp như chuẩn bị bàn ghế, đồ ăn tiếp khách.
Tiệc đứng tổ chức ngoài trời, lễ kỷ niệm tổ chức trong hội trường. Buổi lễ sẽ rất hoàn hảo nếu người Việt có lòng tự trọng và có ý thức cao hơn. Khi buổi lễ chưa kết thúc, trước bao nhiêu quan khách đã ào vào lấy thức ăn. Tạo ra một khung cảnh hỗn loạn vô cùng xấu hổ.
Đến mức khách tham dự không còn gì ăn.
Lúc đó, vì xấu hổ, vì danh dự của một quốc gia, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại đây phải chắp tay xin lỗi quan khách vì bị cướp hết đồ ăn".
Cứ tưởng cảnh tượng trên chỉ diễn ra một lần, tuy nhiên, nó lặp lại y như cũ và năm nào cũng vậy, ông nói.
"Đến năm sau, rút kinh nghiệm, chúng tôi tổ chức một nửa tiệc ngoài trời, một nửa trong hội trường. Nhưng tình hình cũng không cải thiện được bao nhiêu. Họ ăn hết ngoài trời lại xông vào hội trường, leo lên cả tầng hai cướp đồ ăn luôn. Không biết xấu hổ là gì. Ăn xong còn vứt rác bừa bãi, chỗ nào cũng vứt. Xấu xí vậy nhưng không cải thiện được", ông Món kể.
Hết chuyện tranh ăn, ông lại kể tiếp việc thiếu ý thức ở sân bay. Theo ông, ở sân bay có những xe đẩy đồ dùng để đẩy đồ cho khách, thì người Việt Nam lại lấy để đẩy người.
"Cứ 2-3 người ngồi lên một cái xe rồi đẩy nhau. Thật không thể hiểu nổi".
Điều đáng nói là ý thức nhận thức của người Việt Nam quá thấp, khi biết rõ những việc làm không đẹp, không đúng nhưng vì thói quen, vì lợi ích của mình nên cứ làm.
Theo ông, không phải người dân nước nào cũng hoàn hảo, cũng đều tốt có điều ở trong một đất nước mà pháp luật, kỷ cương được thiết lập chặt chẽ, người dân có ý thức vươn lên, thấy sai sẽ sửa.
Chứng minh cho lời nói của mình, ông Món kể lại câu chuyện của chính bản thân ông khi còn ở Malaysia.
Ông cho biết, trong một lần đi công tác ở Malaysia, trong lúc đợi lên tàu ông được gặp lại người bạn là người Nhật Bản. Người bạn Nhật của ông đã mua hoa quả, đồ ăn chuẩn bị cho lúc đợi tàu.
Do lâu ngày mới gặp lại, hai người bị cuốn vào câu chuyện và quên mất yêu cầu không được phép mang đồ ăn, hút thuốc khi ra đảo.
Ngay lập tức, cảnh sát Malaysia bước tới yêu cầu quay lại, xử phạt ngay.
"Không như Việt Nam, hút thuốc thoải mái, dù có cấm nhưng cũng chả phạt được ai. Ở đây rõ ràng là ý thức nhưng cũng còn phải do cơ chế quản lý. Không thể chỉ kêu gọi ý thức suông nữa", ông Món nói.
Mâu thuẫn
Nghiên cứu của các chuyên gia trường ĐH Nottingham khi cho biết, Việt Nam bị xếp cuối bảng về tính trung thực. Nghiên cứu cũng cho biết, những quốc gia có tỉ lệ tham nhũng thấp sẽ ít nói dối hơn, nước Anh là quốc gia có công dân trung thực cao nhất.
Ông Món cho hay, nghiên cứu đã chỉ đúng thực chất của Việt Nam. "Việt Nam cam kết xóa đói giảm nghèo và tuyên bố tiêu chuẩn giảm nghèo của VN với Liên Hiệp quốc là 82%. Tuy nhiên, chưa nói tới số liệu thống kê có chính xác, đáng tin cậy hay không nhưng khảo sát thực tế tại các một số xã, huyện miền núi vẫn có xã có đến gần 80% là hộ nghèo.
Trước đó vài hôm, một kênh truyền hình cũng phát tại Bắc Cạn, vẫn trong diện nghèo đói, khó khăn nhưng trong thống kê thì những hộ này đã thoát nghèo. Tôi không bình luận, chỉ nêu ví dụ như vậy để hình dung cho dễ", vị chuyên gia văn hóa cho hay.
Ông cho biết, bản chất của người Việt không xấu, cơ bản là do quản lý không chặt. Khi làm được một lần, làm được lần hai, lần ba, lâu dần sẽ thành thói quen. Một thói quen cứ lặp đi lặp lại thì thành văn hóa.
Ông lấy ví dụ, đi khám bệnh, nếu có một người xé hàng để khám trước nhưng trong cả hàng đó không ai nói gì họ sẽ quen. Một người làm được, người khác sẽ làm, cứ thế ai cũng muốn xé hàng mà không muốn xếp hàng.
"Một phần do người Việt lành, nhẫn nhịn. Có khi thấy thế thì nhường, có khi lại im lặng.
Nếu ai cũng lên tiếng, phản ứng gay gắt, yêu cầu phải xếp hàng theo thứ tự sẽ không ai dám làm như thế", ông Món nói.
Nói dối cũng vậy, ngoài việc ý thức con người thì cơ chế đôi khi cũng tạo thói quen nói dối.
Theo ông kể, ông còn được xui nói dối khi đi công tác để có lợi. "Tôi rất thật thà, đi công tác một ngày tôi nói một ngày, đi xe hết một đồng tôi nói một đồng. Nhưng tôi làm vậy lại bị người ta nói, nếu khai như vậy thì không được lợi, thậm chí còn phải bù tiền công tác.
Người Việt có xu hướng thiếu trung thực: Sắp thành... phổ thông?
Có người còn bảo tôi, mày cứ khai đi xe 3 ngày tao làm hóa đơn cho. Nhưng tôi không làm", vị chuyên gia thật thà.
“Tôi nổi tiếng là người dũng cảm, nên tôi sai tôi nhận. Tôi không nói dối. Không sợ mất lòng. Vừa rồi có người hỏi vay tiền tôi, tôi nói tôi có tiền, thậm chí nhiều tiền nhưng tôi không cho vay. Chứ tôi lựa chọn cách nói tôi không có tiền, tôi không thể cho vay". Thẳng thắn, thật thà là tính cách ông được học và được rèn luyện trong suốt thời gian theo học và nghiên cứu tại nước ngoài.
Vì thế, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm cho rằng, trung thực, thật thà là yếu tố rất quan trọng trong các mối quan hệ văn hóa, kinh tế, xã hội.
"Ví dụ, nếu bán 2kg trái cây mà cân có 1,9kg thì làm sao người ta tin tưởng, mua của mình nữa. Do đó, nếu không thay đổi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh, uy tín không chỉ trong nước mà còn trong mắt bạn bè nữa", ông Món lo ngại.
Tất nhiên, ông cũng thừa nhận, thay đổi một thói quen là rất khó không phải ngày một ngày hai có thể làm được. Theo ông, vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước rất quan trọng nhằm điều hòa các mối quan hệ, định hướng xã hội để tạo ra một môi trường văn hóa, văn minh.
Lam Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét