Sylvain Margaine nói rằng ông không chỉ chủ ý tìm những đống đổ nát. “Đó có thể là các tòa nhà bị bỏ hoang, hoặc những toà nhà vẫn đang được sử dụng,” ông nói.
“Tôi tới những nơi mà tôi lẽ ra không nên tới.”
Các khu mỏ Sardinia, Ý
Kể từ năm 1998, nhiếp ảnh gia người Pháp đã khám phá những nơi được xem là cấm địa này và cuốn sách ảnh thứ ba của ông cũng vừa được nhà xuất bản Jonglez Publishing ra mắt. Trên đây là hình ảnh này các khu mỏ ở Sardinia. (Toàn bộ ảnh trong bài là của Sylvain Margaine)
Nhà thờ ở Zeliszow, Ba Lan
“Tôi chụp tất cả mọi thứ do con người xây dựng nhưng công chúng không thể nhìn thấy,”
Margaine nói. Ông đã chụp những nhà thờ, những rạp chiếu bóng và những bệnh viện cũng như những đường cống và những hệ thống tàu điện đổ nát, hoang tàn.
“Tôi ghi lại bằng hình ảnh và bằng cách tìm hiểu về lịch sử của những nơi đó – tại sao chúng lại có kiến trúc như thế?”
Trang web “Những nơi bị cấm” của ông liệt kê 86 điểm ‘khám phá đô thị’, trong đó Viện Pháp y ở Antwerp và một bệnh viện quân y nơi Adolf Hitler từng được chữa trị vết thương ở đùi trong thời Đệ nhất Thế chiến.
Chụp nhiều công trình vẫn còn đang hoạt động, ông cũng có cả nhiều tác phẩm chụp những tòa nhà bỏ hoang. Tấm ảnh này cho thấy một nhà thờ Tin Lành được xây dựng vào thế kỷ 18 ở làng Zeliszow, Ba Lan, nơi đã trở nên tiêu điều vào cuối Đệ nhị Thế chiến.
Nhà máy điện Flanders và Brabant, Bỉ
“Một số nơi vẫn còn in đậm trong trí nhớ tôi bởi vì chính tôi tìm ra chúng,” ông nói.
“Đó là cả quá trình dài – tôi tìm hiểu sự tồn tại của một công trình và xác định xem nó ở đâu. Sau đó tôi cố gắng xin được giấy phép hoặc tìm cách để đi vào. Những gì tôi tìm thấy rất xứng đáng công sức bỏ ra – tôi có cảm giác giống như một nhà thám hiểm tìm thấy một ngôi đền giữa rừng già, nhưng chúng lại nằm giữa đô thị. Bằng cách đó, từ ‘khám phá’ đã có ý nghĩa đích thực.”
Tấm ảnh này chụp lại nhà máy điện Flanders và Brabant ở Bỉ, vốn hoạt động từ năm 1914 cho đến năm 2012.
Bệnh viện tâm thần ở Vercelli, Ý
Với Margaine, dự án này không phải là một dạng du lịch phiêu lưu mạo hiểm. “Việc ghi lại được dấu ấn của những nơi này mới là điều quan trọng nhất,” ông nói.
Đây là hội trường của một bệnh viện tâm thần cũ ở Vercelli, Ý. Được xây dựng vào thời thập niên 1930, bệnh viện đóng cửa năm 1997 nhưng vào năm 2013 nó được sử dụng làm nơi trú ẩn cho 100 người tỵ nạn bị đắm tàu được cứu vớt trong chiến dịch nhân đạo ‘Mare Nostrum’.
Cuốn sách ‘Những nơi cấm địa’ viết: “Cho đến thập niên 1950, phương pháp chữa trị của bệnh viện đã bị báo chí chỉ trích, trong số đó có cách tiêm vào bệnh nhân muối sulphur để gây sốt nhân tạo vốn được cho là giúp làm giảm chứng mất trí và tình trạng rối loạn tâm trí.”
Nhà máy giấy Holtzmann, Black Forest, Đức
Những khám phá của Margaine có thể được thực hiện bằng những cách thức rất bất ngờ.
“Tôi không thể tìm thấy thông tin trong kho lưu trữ của thư viện hay trên báo chí,” ông nói.
“Khi tôi đưa một nơi lên trang mạng của tôi, mọi người có thể bình luận – nó kết nối những người đã từng biết đến nơi đó, chẳng hạn như những công nhân nhà máy hay y tá trong bệnh viện.”
Trong tấm ảnh này, cỏ dại mọc um tùm xung quanh những máy móc đã ngưng hoạt động ở một nhà máy giấy ở Black Forest. Mặc dù bị đóng cửa vào năm 2008, nơi này vẫn còn một trung tâm đào tạo đang hoạt động.
Biệt thự của bác sĩ niệu khoa, Bad Wildungen, Đức
Dự án của Margaine kể về những con người đã từng một thời sinh sống và làm việc trong những địa điểm đó cũng như những kiến trúc của công trình đó.
“Chính họ viết nên những câu chuyện đó – nó giúp cho tư liệu thêm phần giá trị,” ông cho biết. “Những người đã từng làm việc trong toà nhà này khiến cho toà nhà như được tái sinh, họ giúp cho câu chuyện thêm đầy đủ với những ký ức và hình ảnh của họ.”
Tấm ảnh này chụp lại phòng ngủ của bác sĩ Karl Kraft, người mở một phòng phẫu thuật tiết niệu ở tầng trệt ngôi nhà của ông vào năm 1931. Vợ ông vẫn sinh sống ở đó cho đến năm 2006 và giờ đây nó đã trở nên hoang tàn.
Theo cuốn sách của ông thì ‘Nơi bị bỏ hoang này đã được những người lạ mặt đến thăm. Trong khi một số người chỉ muốn chụp ảnh thì những người khác lại di chuyển, phá hoại hay lấy đi những tác phẩm trang trí mà Hildegard đã sưu tầm. Căn nhà trước đây của bác sỹ Kraft giờ đây trong giống như một phim trường hơn là một dinh thự bề thế khi xưa.”
Nhà tù Loos ở Lille, Pháp
Margaine kể lại một phản hồi về những bức ảnh ông chụp một nhà tù bỏ hoang ở Melbourne: “Một người phụ nữ đã để lại lời bình luận một vài năm trước đây. Bà ấy nói rằng cha bà ấy đã bị giam giữ ở đó và bà đang muốn tìm vết tích về ông ấy."
"Thế rồi sau đó ít tuần có người đã hỏi địa chỉ email của bà ấy và nói rằng họ tin rằng bà ấy là người chị em mà họ chưa bao giờ gặp mặt – người cha đã ở tù và có con với những người vợ khác nhau mà những người con này không biết mặt nhau."
"Bà ấy đã tìm kiếm trong khoảng 20 năm và giờ đây họ đã tìm thấy nhau.”
Tấm ảnh này chụp lại nhà tù Loos ở Lille, Pháp, một trong những nhà tù lớn nhất được sử dụng trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng miền bắc Pháp.
Bệnh viện tâm thần ở Racconigi, Ý
Địa điểm gây ấn tượng nhiều nhất cho Margaine chính là những bệnh viện bị bỏ hoang.
“Bệnh viện tâm thần là nơi cấm kỵ, không ai biết được chúng là như thế nào,” ông nói.
“Bên trong, đó là di sản của quá khứ – bạn vẫn có thể thấy những buồng giam có lót đệm, áo ống tay dài để mặc cho bệnh nhân, các máy chích điện. Bạn biết rằng những thứ như vậy là có tồn tại nhưng khi bạn thấy chúng tận mắt thì chúng hoàn toàn khác – khám phá những nơi như vậy đem đến những trải nghiệm thật mãnh liệt.”
Bệnh viện tâm thần này khai trương vào năm 1871 và bị đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1998. Bản thân tòa nhà này giúp chúng ta hiểu được điều gì đã xảy ra đó.
“Bệnh viện có kiến trúc đặc biệt – bản thân kiến trúc cũng là một cách chữa trị. Đó là một phần của câu chuyện ở nơi đây.”
Rạp chiếu bóng Shipka, Bulgaria
Chứng kiến quá nhiều công trình hoang tàn như thế đã ảnh hưởng đến quan niệm về cuộc sống của Margaine.
“Tôi có quan điểm mạnh mẽ về những gì sẽ mất đi – tôi có thể khám phá một tòa nhà và một tuần lễ sau đó mái nhà đổ sụp. Trong vòng chưa tới 10 năm – một công trình có thể biến mất. Điều đó cho thấy ngay cả những tòa nhà kiên cố nhất như nhà thờ chính tòa hay những công trình được làm từ xi măng sẽ không thể nào tồn tại nếu chúng ta không duy tu chúng.”
Rạp chiếu bóng này ở Bulgaria chỉ chiếu những bộ phim do nhà nước nước sản xuất.
Nó đã bị đóng cửa sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. “Mọi thứ thật là mong manh – chúng tôi đã ở đây trong một thời gian ngắn – Tất cả đều là phù du.”
Bệnh viện tâm thần ở Racconigi, Ý
Trang web của Margaine đã trở thành một phần lịch sử của những nơi này.
“Những người có những tấm ảnh về chúng trong thời chúng vẫn còn được sử dụng đã liên lạc với tôi. Ký ức về những công trình này càng trở nên sống động với những chứng nhân này – những người đã có một khoảng đời ở đó – họ làm việc ở đó hoặc được chăm sóc ở đó.”
Tấm ảnh này chụp một chiếc giường mà trên đó bệnh nhân được chữa trị ở bệnh viện tâm thần Racconigi vốn áp dụng liệu pháp gây sốc.
“Tôi không tin có hồn ma – nhưng không khí ở những nơi như thế này dường như có liên hệ với cuộc sống từng diễn ra ở đây. Ở một nhà tù nơi tù nhân bị giam cầm hay một bệnh viện nơi bệnh nhân đau đớn và qua đời, cảm xúc thật là mạnh mẽ khi nhìn thấy dấu tích của sự hiện diện của con người – những đôi găng nằm trên máy móc ở một phân xưởng, một đồng phục y tá vẫn còn nằm trong ngăn tủ hay bộ quần áo của người điên ở nhà thương."
"Bạn có thể hình dung ra những gì đã xảy ra ở đây. Tôi muốn thể hiện chúng đã trông như thế nào khi chúng còn hoạt động.”
Fiona Macdonald
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét