Ngày 8 tháng 5 năm 2016, trong khi những đứa con ở khắp nơi tụ hội cùng nhau tổ chức ngày hiền mẫu để tôn vinh các bà mẹ thì một bà mẹ trẻ Việt Nam và một em bé bị công an đánh đập tàn nhẫn ngay giữa đô thành.
Vì muốn duy trì môi trường trong sạch, vì muốn bảo vệ sự sống cho con người và biển cả mà hàng ngàn người đã cùng nhau xuống đường biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, gần khu vực nhà thờ Đức Bà.
Hai mẹ con HMUyên
Bà mẹ trẻ Hoàng Mỹ Uyên (Bee) đã mang con mình theo cùng, bé gái Saphire, mới lên 10.
Theo những nhân chứng trong cuộc biểu tình kể lại, thì sau khi những người biểu tình đứng hàng đầu bị bắt liên tục, không kể ai, cả phụ nữ. Khoảng 10 giờ, có tiếng la thất thanh “Bee bị đánh, Bee bị đánh.” Cô Uyên tức Bee ngồi dưới đất ôm con vào lòng, khóc và la hét “Em bị xô té, rồi tụi nó đạp lên mặt em. Tụi nó nắm tóc bé Saphire định bắt luôn nữa!”.
Mặt mũi cô bầm tím, gọng kính bị vỡ, ánh mắt cô toát vẻ căm hờn. Chúng đã đáp trả ước muốn biển sạch, môi trường trong lành của triệu triệu người dân bằng những cái đánh hung bạo, cái giật tóc tàn nhẫn, những cú đạp, đá thô bạo lên mặt, lên người mẹ và cô bé 10 tuổi. Bà mẹ trẻ chiến đấu kiên cường để giành lại đứa con bị kéo đi và sau đó ngất xỉu vì xúc động và mệt mỏi, đau đớn.
Còn đau thương nào hơn. Trong khi đó ở Hà Nội những video clip được bỏ lên face book không ngừng diễn ra cảnh đánh đập người biểu tình thô bạo, phụ nữ bị túm tóc, dằng xé, thanh niên bị đấm đá lôi đi dù những người biểu tình ôn hoà trong tay không một tấc sắt.
Tiếng trẻ em kêu khóc thảm thiết trong khi đó cái “loa phường” ra rả kêu gọi người biểu tình giữ trật tự không được vọng động, trong khi công an và lực lượng an ninh dàn trận cô lập họ, đánh đập, bắt bớ họ.
Còn gì tàn bạo bằng sự vi phạm nhân quyền man rợ khi đánh đập dã man phụ nữ và trẻ con của bọn người vô nhân tính. Còn gì chua xót hơn bằng sự hiếp đáp người mẹ trẻ Hoàng Mỹ Uyên, là một trong những người khởi xướng thùng bánh mì miễn phí cho người nghèo, lỡ đường, cơ nhỡ tại SG trước đó.
Thùng bánh mì miễn phí đã lan đi ở nhiều tỉnh khác, nó là hình ảnh nối dài của những lu nước cho người lỡ độ đường hàng chục năm trước và những bình trà đá miễn phí bên lề đường nóng bỏng hôm nay của người SG bình dị, hiền lành tốt bụng.
Còn gì uất ức ngất trời xanh bằng những người mẹ đi biểu tình đòi quyền cho con, cho mình, cho thế hệ mai sau được ăn cá sạch, thực phẩm không nhiễm độc, không khí trong lành, lại bị ngược đãi, bạo hành, bắt bớ. Mẹ Việt Nam theo chân tiếng gào công lý đi kêu gọi sự minh bạch, đi đòi lại sự thật bị nhà nước dấu kín từ ngày sinh vật của biển chết hàng loạt, hàng tấn. Cá chết, người đói sẽ từ từ chết theo.
Trong khi đó chính quyền lặng im về những chất độc chất thải ra của nhà máy Fomosa dưới đáy biển. Ngoài việc đàn áp biểu tình, họ còn cho các dư luận viên thay nhau tìm mọi cách vu khống và bôi nhọ những người đã đi biểu tình. Họ phao tin những người biểu tình bị xúi bẩy, bị mua chuộc bằng cách nhận tiền hoặc được trả tiền để có mặt trong cuộc biểu tình.
Họ còn đem đời tư của cá nhân cô Hoàng Mỹ Uyên ra bêu xấu và bôi nhọ. Để lấp liếm cái ác, có kẻ còn giả vờ nhân danh tình mẫu tử để chê bai và quy trách nhiệm cho cô về việc đem con theo, đi biểu tình.
Trẻ em đi biểu tình
Trẻ em đi biểu tình ở các nước tiên tiến là chuyện thường tình. Điển hình là hình ảnh những em bé cùng tham dự biểu tình với Martin Luther King Jr và Joan Baez ở Alabama, Hoa Kỳ, năm 1963 được chụp và ghi lại của giới truyền thông.
Ngoài ra trẻ em ở các nước khác trên thế giới như Anh quốc, Ấn Độ, Phi châu, Nam Mỹ và Trung Cộng, vẫn theo cha mẹ đi biểu tình, nhất là việc biểu tình chống ô nhiễm môi trường.
Bổn phận của cha mẹ và trường học ở các nước tiên tiến là nhắc nhở và dạy bảo ý thức trách nhiệm và quyền lợi xã hội cho các em về các vấn đề nghiêm trọng của môi trường.
Các em sau này lớn lên sẽ biết gìn giữ, tranh đấu cho môi trường sống của chính mình và lưu lại một môi trường sạch cho thế hệ mai sau của các em. Vì chính các em là những người sẽ thừa hưởng môi trường người lớn để lại và dễ bị ảnh hưởng nhất bởi thức ăn, không khí, nước độc hại ô nhiễm. Do đó những cuộc biểu tình về môi trường có các em nhỏ tham dự là một việc làm rất hợp lý.
Một điểm khác, rất đáng phỉ nhổ giữa việc đem các em theo đi biểu tình ở các nước trên thế giới và Việt Nam là các trẻ em khác không bị đánh và trẻ em ở Việt Nam thì bị đánh đập tàn nhẫn.
Điều đáng trách là những lãnh tụ đã dấu mặt, không thấy xuất hiện ở các nơi biểu tình. Họ ích kỷ và hèn nhát không bao giờ đi biểu tình cho lẽ phải mà còn lên tiếng chỉ trích cũng như ra lệnh cho bọn tay sai thẳng tay đàn áp đánh đập người dám ra mặt phản đối. Người phải quy trách nhiệm phải là giới lãnh đạo ngậm miệng ăn tiền, che dấu sự thật về nguyên nhân các chất độc đã hủy hoại môi trường sống.
Ngày của mẹ, ngày của máu và nước mắt, với bao nỗi oan khuất dân tôi phải gánh chịu khiến người con Việt không thể ăn ngon ngủ yên. Bức ảnh chụp được ai xem mà không xúc động xót xa. Một vòng tay phụ nữ che chở một bà mẹ trẻ ngồi ôm con với đôi mắt nhắm rịt, hàm răng cắn chặt, khoé miệng không thể khép vì nỗi đau đớn đến tột cùng. Và còn bao nhiêu bà mẹ nữa bị đánh chứ không riêng gì một bà mẹ Mỹ Uyên.
Ở Việt Nam, không những trong ngày hiền mẫu năm nay, các bà mẹ bị đánh, mà những năm gần đây các bà mẹ đi biểu tình khiếu kiện vì mất nhà mất đất hay phản đối cưỡng chế đất cũng bị đánh, bị máy xúc đè, xe ủi đất cán. Nhìn các bà mẹ đủ mọi lứa tuổi ngồi lê la, gào khóc, có người bị giằng xé, tuột cả áo quần, loã lồ thân thể, ai thấy không đau lòng?.
Tại sao nhìn tới nhìn lui người khiếu kiện chỉ toàn đàn bà? Hỏi ra người ta bảo, đàn ông đi biểu tình bị bắt bớ đánh đập nhiều quá rồi. "Giặc đến nhà đàn bà phải đánh". Không lẽ, chốn lằn tên mũi đạn, giờ người phụ nữ phải đi thay? Mà bọn côn đồ có chừa phụ nữ ra đâu, chúng vẫn dùng quyền thế và bạo lực để đạt mục đích. Bỗng dưng người phụ nữ Việt không cần đứng lên đòi quyền bình đẳng nam nữ, họ cũng được đối xử công bằng trong việc hưởng cái quyền được đấm đá thẳng tay không thương tiếc, gượng nhẹ.
Ngày hiền mẫu năm nay những giọt máu của những bà mẹ Việt lại tiếp tục đổ xuống cho nỗi oan của dân tôi dấy lên thấu tận mây xanh. Không biết đến bao giờ đất mẹ mới được bình yên. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện.
Trịnh Thanh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét