Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Cờ đỏ ‘biến mất’ trong các cuộc biểu tình

image
Người dân Hà Nội xuống đường biểu tình vụ cá chết, ngày 1/5/2016.

Biến mất

Quan sát rất kỹ từng chi tiết qua nhiều video về cuộc biểu tình môi trường nổ ra ngày 1/5/2016 tại Hà Nội, Sài Gòn và một số địa phương khác, một ký giả quốc tế thường trú tại Việt Nam đã nêu ra một nhận xét tinh tế với tôi: không còn thấy cờ đỏ – quốc kỳ Việt Nam – như vẫn thường hiện diện trong nhiều cuộc biểu tình trước đây.

image
Tôi cũng ngạc nhiên như anh. Trong đất nước ngày càng trở nên quá bất thường về biến động tâm trạng chính trị này, có những điều mà mắt thường không thể nhìn thấy được, dù hình ảnh của chúng chợt lồ lộ nơi công cộng vào một lúc nào đó ta khó ngờ nhất.

Nhận định của ký giả trên đã được xác nhận bởi những người tham gia cuộc biểu tình ngày 1/5.

image
Từ nhiều góc ở nhiều khu vực, kể cả những góc khuất, người ta đều hầu như không nhận ra bóng dáng quốc kỳ Việt Nam được đám đông biểu tình sử dụng. Những tấm ảnh có thấp thoáng cờ đỏ và cờ búa liềm lại chỉ là cờ được các nhà dân và trụ sở công quyền phô ra vào dịp lễ 30 tháng Tư, 1 tháng Năm theo chỉ đạo bắt buộc của chính quyền địa phương.

Còn trong đám đông biểu tình ngày 1/5 vừa qua, thậm chí còn không nhận ra ai mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng. Thay cho cờ đỏ là những khẩu hiệu biểu tình và màu xanh da trời – tượng trưng cho ý nghĩa bảo vệ môi trường.

image
Sự thay thế của màu xanh cho màu đỏ là một hiện tượng đáng lưu ý về tâm lý xã hội – chính trị ở Việt Nam. Hiển nhiên, sự việc này đã thu hút sự chú tâm đặc biệt của các nhà báo quốc tế. Với họ, đó là một sự thay đổi không nhỏ về não trạng.

Ký giả trên lại đặt câu hỏi với tôi: vì sao cuộc biểu tình ngày 1/5 – trùng với một dịp lễ được xem là trọng đại của chế độ cộng sản ở Việt Nam – nhưng người biểu tình lại không “mượn” cờ đỏ để mong làm dịu thái độ căng thẳng và trấn áp của “các lực lượng giữ gìn trật tự công cộng”?

image
Quả thật trong rất nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung cộng trước đây, quốc kỳ được xem là biểu tượng chủ đạo, được nhiều người biểu tình mang theo và giương lên, một phần để bày tỏ lòng yêu nước, phần khác mong làm nhẹ bớt thái độ trấn áp hung hãn của lực lượng công an và dân phòng.

image
Trong nhiều cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai ở nhiều vùng, dân oan cũng thường dùng cờ đỏ và hình HCM. Cuộc biểu tình chống tham nhũng vào năm 1997 trên diện rộng nhiều tỉnh ở miền Bắc, khởi phát từ Thái Bình, là một bộ phim bát ngát hình ảnh cờ đỏ. Đến năm 2005, sau 10 năm tung hoành của các nhóm lợi ích và nhóm quyền lực chính trị về thu hồi và chiếm đất vô lối của nông dân lẫn thị dân, phong trào khiếu kiện tập thể đã biến thành những đám đông phản kháng với cờ đỏ dẫn đầu. Trong một ít trường hợp, cán bộ tiếp dân và lực lượng cưỡng chế đã tỏ ra chùn bước trước rừng cờ đỏ.

image
Nhưng những năm sau đó thì chính quyền bất chấp, cho dù bà con khiếu kiện đã phải dùng đến bàn thờ và hình ảnh HCM. Hiện tượng rất đáng mổ xẻ là phản ứng của chính quyền và công an đã trở nên chai lì trước những biểu tượng mà giới  này vẫn thường tuyên rao “học tập và làm theo…”. Vài năm qua, không ít lần công an và quan chức chính quyền thẳng tay giật cờ đỏ từ tay dân oan rồi quẳng xuống đất. Thậm chí còn có hình ảnh một công an thản nhiên giẫm lên cờ đỏ. Cách đây không lâu, một xe xúc cưỡng chế còn hung dữ cán qua người một nông dân biểu tình cùng lá cờ đỏ sõng soài dưới bùn đất.

image
Tương tự, hình HCM và bàn thờ mà dân oan khiếu kiện đưa ra cũng không còn khiến lực lượng cưỡng chế đất “xúc động”. Một số ghi nhận đã cho thấy ngay cả hình HCM cũng bị giằng giật đến nhàu nát. Khá nhiều minh họa đã lộ hình tại Dương Nội (Hà Nội), Văn Giang (Hải Dương) ở miền Bắc và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ…

Chán ghét chế độ

image
Nếu trong cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh ở Hà Nội vào tháng 5/2015, người ta vẫn còn thấy một số người biểu tình mang theo cờ đỏ, thì đến cuộc biểu tình “cá chết Formosa” vào tháng Năm năm 2016, cờ đỏ hầu như đã biến mất.

Vì sao lại có sự trống vắng quốc kỳ đến mức kỳ lạ trong biểu tình ở Việt Nam?

Ý kiến rất đa chiều, thậm chí trái chiều.

image
Có người lý giải: cuộc biểu tình ngày 1/5/2016 là vì môi trường chứ không phải mục tiêu chính trị nên không nhất thiết phải giương cờ đỏ lên. Người này “hành nghề” dư luận viên.

Nhưng nhiều người khác lại phản bác: giương cờ đỏ mà “chúng nó” còn chà đạp thì giương làm gì!

Hẳn người lý giải về lý do môi trường để không dùng cờ đỏ là phần nào có lý. Nhưng cũng không thể phủ nhận một tán thán từ những người khác: “Chán cái chế độ này lắm rồi! Có mang theo cờ cũng chẳng có chút ý nghĩa nào!”.

image
Phẫn nộ nhất là những dân oan đã hoàn toàn tay trắng và hàng ngày phải lê lết trước trụ sở tiếp dân ở Hà Nội, TP.HCM để đòi lại một chút công lý. Hầu hết những người dân này đều đã bị công an Việt Nam thẳng tay đánh đập, bắt nhốt và vò nát quốc kỳ.

Ký giả quốc tế lại nêu ra một nhận xét với tôi: Rất có thể, tâm lý quá thất vọng đối với chế độ cầm quyền đã khiến nhiều người dân và cả cán bộ về hưu không còn mấy tha thiết với lá cờ đỏ. Tâm lý chán ghét và đang tìm cách phản ứng với chế độ lại dần chuyển thành tâm lý xa rời hoặc quên lãng một biểu tượng vốn có là cờ đỏ.

image
Theo quan điểm của ký giả này, biểu tượng chỉ là biểu tượng, chẳng có tội lỗi gì hết. Tội lỗi từ con người cầm quyền mà ra. Anh cũng lấy bài học ở những nước Đông Âu để chứng minh rằng một khi chính quyền và cảnh sát hành xử quá ác độc với người dân, ngay cả những công dân “yêu nước” cũng trở nên thù địch với chính biểu tượng mà trước đó còn ăn sâu vào lòng họ.

Rồi anh hỏi tôi: Thế sắp tới tình hình biểu tượng quốc kỳ ở Việt Nam sẽ ra sao?

Tôi nhìn anh như hỏi lại. Giống nhiều người khác, từng một thời tôi đã tự hào về lá cờ đỏ sao vàng, nhưng bây giờ thì lại cảm thấy nó xa lạ. Những người hàng xóm, có cả công chức, đã nói với tôi rằng nếu không bị “phường” bắt buộc, họ sẽ không muốn treo cờ đỏ vào các dịp lễ chính trị. Với họ, chuyện cờ quạt chỉ còn thuần túy mang màu sắc chế độ chứ chẳng mang lại “cơm no áo ấm” cho người dân, đặc biệt là người nghèo.

image
Mới đây, một người bạn Tây Ban Nha cười ẩn dụ với tôi: ý thức hệ chỉ còn là vấn đề rất mờ nhạt đối với công chức nhà nước Việt Nam. Có lẽ bây giờ chỉ còn mỗi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là còn tin vào chủ nghĩa xã hội.

Không khó để hình dung rằng với diễn biến tâm lý đang thay đổi bằng gia tốc ngày càng lớn trong dân chúng và cả cán bộ, ngay cả những cuộc biểu tình chống Trung cộng ở Việt Nam trong thời gian tới cũng chỉ xuất hiện cờ đỏ với mật độ thưa hơn hẳn hình thức biểu tình trước đây.

image
Rất thường là, sự triệt tiêu chế độ chính trị khởi nguồn từ dấu hiệu biến mất của các biểu tượng của chế độ đó.





The Simpsons season 10 episode 23 10x23 dead fish

Hậu quả của động tác gập bụng
Gương mặt của im lặng trong biểu tình
Lê Hoàng Trúc: Hát Cho Đồng Bào Tôi
Nhà nước khủng bố
Cá chết và hình ảnh đất nước
Tuổi thơ dữ dội
Triển lãm không phép ở Huế về cá chết
Máu những bà mẹ Việt đã đổ trong ngày Hiền Mẫu
Sài Gòn - Hà Nội: Nổi Sóng biểu tình
Nước xanh, thủy triều đỏ và sa mạc biển
Cái chết từ từ của Đồng bằng Sông Cửu Long
Huế: Công an 'vào tác phẩm trình diễn’
Đừng vô cảm
Hạn hán Mekong và ‘Cuộc chiến nước’
Vì một bài thơ, cô giáo Lam bị bắt...
Điều giản dị
Chiều Winnipeg
Christina Cao: Giám đốc Dược của 42 bệnh viện
Điếc không sợ súng: Phá rừng làm thủy điện
Anh hùng mũ đỏ Thiếu tá Nguyễn văn Đương

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Hậu quả của động tác gập bụng

exercise
Nếu bạn không thích phải tập cho cơ chắc khoẻ thì chúng tôi có tin tốt cho bạn: Các nhà nghiên cứu không chỉ đơn thuần tranh cãi về lợi ích của việc gập bụng, mà họ còn chỉ ra rằng kiểu luyện tập này sẽ có thể có hại.

image
Liệu việc gập bụng có mang lại cho bạn bụng sáu múi? Hay thật ra ta có thể có được bụng thon nhờ cách ăn uống tốt và các bài tập luyện bình thường?

Một báo cáo đánh giá tất cả các nghiên cứu về gập bụng cho thấy bài luyện tập này có giúp tăng độ linh hoạt và sự dẻo dai của cơ bắp.

Các nghiên cứu ở loài chó cũng cho thấy việc giãn xương sống lưng cũng giúp đẩy chất dinh dưỡng tới các đĩa đệm và ngăn ngừa cứng khớp.

image
Nghe có vẻ ổn! Thế nhưng để có được bụng sáu múi, bạn sẽ phải tập luyện rất vất vả.

Trong một cuộc thử nghiệm nhỏ thực hiện tại Illinois vào năm 2011, một nhóm đã tập luyện mỗi ngày trong khi một nhóm khác không tập gì.

image
Sau sáu tuần, kết quả nghiên cứu cho thấy việc tập luyện không làm thay đổi vòng bụng một chút nào.

Nhiều người yêu thích thể thao tập gập bụng để tăng cường thăng bằng, thế nhưng nghiên cứu của Thomas Nesser từ Đại học Bang Indiana cho thấy việc tăng cường độ thăng bằng không nhất thiết sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt hơn trong thể thao.

Vậy gập bụng có khả năng mang lại cho bạn những hậu quả ngoài mong muốn, chẳng hạn như đau lưng, hay không?

image
Stuart McGill, giáo sư chuyên nghiên cứu về cơ cấu xương sống lưng tại Đại học Waterloo ở Canada, đã nghiên cứu bài tập gập bụng nhiều năm nay và ông cho rằng bài tập này mang lại nhiều tác động xấu.

Ông đã thực hiện hàng chục nghiên cứu trong các phòng thử nghiệm trên loài lợn, liên tục co giãn sống lưng đúng với cách chúng ta tập gập bụng trong nhiều giờ liền.

image
Sau khi nghiên cứu các sống lưng này, ông thấy chúng đã chịu nhiều áp lực đến mức bị trật khớp. Nếu điều này xảy ra với con người, nó có thể đè lên các dây thần kinh, gây ra đau lưng và thậm chí còn làm đĩa đệm bị thoát vị.

Loài lợn được chọn để nghiên cứu về chủ đề này vì chúng có sống lưng khá giống con người.

image

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng vẫn có nhiều sự khác biệt giữa người và lợn. Các nghiên cứu này cũng đã tác động lên xương sống của những con lợn hàng nghìn lần liên tiếp, trong khi con người lại luôn nghỉ giải lao giữa các bài tập.

image
Có lẽ những kết quả này cho chúng ta hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta gập bụng hàng nhiều giờ. Điều này khó xảy ra ngoài đời thật, tuy nhiên, chấn thương vẫn có thể xảy ra.

Nghiên cứu công bố năm 2005 đối với các binh sĩ Hoa Kỳ đóng tại Đồn Bragg cho thấy 56% các chấn thương là trong hai năm tại ngũ là do gập bụng.

Nhiều người dễ bị chấn thương lưng vì gập bụng hơn những người khác.

image
Chúng ta có thể gập bụng 30 lần một ngày trong suốt 10 năm và vẫn không bị gì, hoặc chúng ta có thể nằm trong nhóm những người dễ bị tổn thương hơn. Điều này có thể do gene quyết định.

Theo một nghiên cứu, việc tập luyện với cường độ cao không phải là lý do chính gây thương tích mà là yếu tố di truyền, là điều có trong ba phần tư các trường hợp khác biệt giữa những người bị đau lưng và những người không bị.

Nghiên cứu The Twin Spine viết về các cặp sinh đôi ở Canada và Hoa Kỳ từ năm 1991, theo đó các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng gene di truyền đóng một vai trò quan trọng đối với khả năng tránh bị thoái hoá đĩa đệm của mỗi người.

Dù một người trong cặp sinh đôi làm việc khiêng vác nặng và người kia thì không, cường độ đau lưng của hai người đều giống nhau.

Như vậy, việc gập bụng có thể làm đau lưng, nhưng chỉ ở một số người. Đó là một lý do tốt để không gập bụng.

Nhưng nếu bạn muốn làm cơ chắc khoẻ, cách nào là tốt nhất để giảm thiểu rủi ro?

image
Giáo sư Stuart McGill cho rằng bạn nên đặt tay ở lưng dưới để nó không phải chạm thẳng xuống sàn nhà. Điều này giúp giảm áp lực lên lưng.

Hoặc bạn có thể duỗi một chân và chân kia gập lại, sau đó nâng đầu và vai cách mặt đất vừa phải. Ông nói hãy tưởng tượng đầu bạn đang đặt lên một cái cân, bạn chỉ cần nhấc đầu đủ cao để cái cân hiện ra số 0.

Trong bài viết về nghiên cứu đối với bài tập gập bụng, Bret Contreras từ Đại học Công nghệ Acukland, New Zeland, khuyến nghị chỉ nên tập các bài tập liên quan tới sống lưng khoảng 60 lần trong mỗi lần tập. Hãy bắt đầu với chỉ 15 lần lặp và tăng dần.

image
Cuối cùng, khi chúng ta đã nằm suốt đêm hoặc thậm chí chỉ là ngồi trong một lúc lâu, thì có nghĩa là chúng ta tăng một ít cân, và vì vậy sẽ làm việc gập bụng khó hơn và tăng khả năng bị chấn thương.

Vì vậy đừng tập động tác gập bụng ngay sau khi vừa ngồi nhiều giờ trước máy tính hoặc khi vừa ngủ dậy.



Claudia Hammond

exercise

Gương mặt của im lặng trong biểu tình
Lê Hoàng Trúc: Hát Cho Đồng Bào Tôi
Nhà nước khủng bố
Cá chết và hình ảnh đất nước
Tuổi thơ dữ dội
Triển lãm không phép ở Huế về cá chết
Máu những bà mẹ Việt đã đổ trong ngày Hiền Mẫu
Sài Gòn - Hà Nội: Nổi Sóng biểu tình
Nước xanh, thủy triều đỏ và sa mạc biển
Cái chết từ từ của Đồng bằng Sông Cửu Long
Huế: Công an 'vào tác phẩm trình diễn’
Đừng vô cảm
Hạn hán Mekong và ‘Cuộc chiến nước’
Vì một bài thơ, cô giáo Lam bị bắt...
Điều giản dị
Chiều Winnipeg
Christina Cao: Giám đốc Dược của 42 bệnh viện
Điếc không sợ súng: Phá rừng làm thủy điện
Anh hùng mũ đỏ Thiếu tá Nguyễn văn Đương
Chửi thề có làm bạn thư giãn không?

Gương mặt của im lặng trong biểu tình

image
Nhiều người xuống đường vì thảm họa cá chết tại Việt Nam vì nỗi lo với môi trường sống.

Ngày 8/5 tại Sài Gòn, cuộc xuống đường vì thảm họa cá chết đã có xô xát. Người biểu tình cáo buộc bị an ninh đánh và trên mạng có cả hình ảnh lực lượng an ninh cũng gặp thương tích.

image
Cuộc rượt đuổi và xô xát diễn ra ngay tại khu vực Nhà thờ Đức Bà – trung tâm Quận Một.

Trước đó vài ngày, giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ, trung tâm vui chơi của giới trẻ Sài Gòn, hai thanh niên chỉ chừng hai mươi tuổi đã dán lên mặt mình hình ảnh của bộ xương cá, ngồi tọa kháng trước ánh mắt tò mò của bao người cùng tuổi khác trong buổi tối của trung tâm Quận Một.

image
Trên tờ giấy cầm trước ngực, Lầu Nhật Phong viết “Tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện và công bố kết quả điều tra cụ thể, minh bạch và đáng tin cậy về sự việc cá biển chết hàng loạt ở Vũng Áng.”

Sự im lặng

image
Những hình ảnh tưởng chừng vô cùng dễ thấy đã không thể xuất hiện trên bất cứ trang báo nào tại Việt Nam. Nếu ai đã từng xem Kênh 14, Yan News hay Yeah1, sẽ nhận ra một trận hẹn đánh nhau của hai cô bé hot girl giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng sẽ được tường thuật đầy đủ từng giây phút trên các trang mạng của giới trẻ.

Một bộ quần áo mới lạ mắt của cô ca sĩ, một chú cún xinh xắn xuất hiện, tất cả sẽ ngay lập tức lọt vào ống kính của những tay săn ảnh thường xuyên xuất hiện ở khu vực trung tâm sôi động này.

Còn hai người trẻ tọa kháng, và hàng trăm người xuất hiện ngay trung tâm Nhà thờ Đức Bà, đã phải đối diện với sự im lặng của truyền thông tại Việt Nam. Người đọc đã dùng mọi ngôn từ khó chịu để đặt câu hỏi tại sao một cô ca sĩ dắt chó đi dạo các anh cũng chụp được, còn hàng trăm người xuống đường, thể hiện điều họ mong mỏi và bị trấn áp, sao không một trang nào viết về sự kiện đó?

image
Như mọi khi, nhà báo tại Việt Nam không viết về các cuộc biểu tình trên trang báo được xuất bản. Lẽ đương nhiên, nếu họ có viết cũng không thể đăng và không ai đăng.

Người nổi tiếng tại Việt Nam không nói về chính trị nếu họ còn muốn xuất hiện trên sân khấu hay trong những đêm hát phòng trà, trong những game show đắt tiền hay những cuộc họp fan hâm mộ đông đúc.

Người trẻ Việt Nam không nói về chính trị, bởi họ có thể bị vây hãm bởi những công văn đuổi học, rắc rối kỷ luật nếu lỡ ai đó chụp lại ảnh họ có mặt trong cuộc biểu tình và gửi cho nhà trường.


Lần đầu tiên

image
Một thanh niên 16 tuổi được người dân giúp đỡ khi bị xịt hơi cay
Nhưng lần đầu tiên, ngày 8/5 ở Sài Gòn, người ta thấy những thanh niên còn rất trẻ bị đánh. Họ cầm trong tay những tấm biển "Xin đừng vô cảm, cần minh bạch Formosa", "Yêu cầu chính phủ lên tiếng nguyên nhân cá chết? Biện pháp xử lý? Khắc phục?", "Bảo vệ môi trường, xin đừng vô cảm". Họ chỉ mới 16, 17 tuổi, ở thời điểm mà mối quan tâm của họ chỉ là mặc gì đẹp, học sao cho giỏi hay làm sao để trở nên “ngon lành” trong mắt bạn cùng lứa.

Lần đầu tiên, xuất hiện một thanh niên trẻ chỉ 16 tuổi bị “xịt hơi cay” theo những người tại hiện trường viết lại. Điều gì đã khiến cậu thiếu niên này bước xuống đường, mà không phải là một buổi sáng Chủ Nhật ngồi chụp ảnh selfie trong quán cafe cùng bạn bè, hay chạy xe máy đi phượt ở chỗ nào đó thật ngon lành? Điều gì đã khiến cậu bé này không còn sợ những vết đau trên thân thể mình, để bước ra Nhà thờ Đức Bà buổi sáng 8/5?

Người ta thấy một phụ nữ trẻ ôm con bị thương tích trên mặt. Chị ngồi khóc giữa những gương mặt phụ nữ trẻ ôm lấy chị và lau vết thương cho chị.

image
Chỉ vài giờ sau, những người nổi tiếng đã lần đầu tiên rời khỏi tòa thành an toàn thường nhật của họ, MC Phan Anh, diễn viên Thành Lộc, Lê Phương, Duy Khiêm Ngố đều nói về việc họ thấy một phụ nữ mà họ yêu quý‎ bị tấn công trong cuộc tuần hành. Lần đầu tiên, chuyện “tụ tập đông người” không còn ở một "tinh cầu xa lạ" không ai nói đến nữa.

image
Cũng lần đầu tiên, người ta thấy vài thành viên trong ban nhạc Microwave cầm guitar xuống đường, hát lại chính ca khúc nổi tiếng của họ bằng lời mới: hát về sự lo lắng về biển, cá, môi trường.

image
Người dân xuống đường tại Sài Gòn ngày 8/5
Một nhà báo giấu tên nói với tôi: “Tôi vẫn đến Nhà thờ sáng hôm qua, và gặp rất nhiều đồng nghiệp của mình cầm máy ra đó để chụp, dù biết rằng sẽ không có tấm nào đăng báo được sau sự kiện đó.”

Nhu cầu của anh, và những người cầm máy mang trong mình trách nhiệm thể hiện thông tin vẫn không chút nào nguôi đi. Họ vẫn sẽ chụp, chứng kiến, ghi nhận... dù không bản tin nào lên trang hay ra sạp báo.

Sau ngày biểu tình, một thành viên trên Diễn đàn Nhà báo Trẻ đặt câu hỏi: “Vụ biểu tình vì môi trường biển... Ngày chủ nhật vừa qua, em thấy nhiều phóng viên đi tác nghiệp. Sao không thấy báo nào lên bài nhỉ? Lý do nào mà các báo không đăng.... Trong khi các báo quốc tế đăng tin dồn dập.”

Diễn đàn có hơn 12.000 thành viên này là nơi thảo luận của rất nhiều nhà báo tại Việt Nam. 

Trong cả hai đợt biểu tình ngày 1/5 vả 8/5, diễn đàn này “có một ngày im ắng”. Gần như không ai viết gì về cuộc biểu tình diễn ra ở các thành phố.

Không vô nghĩa

Nhưng ngày 8/5 ở Sài Gòn, không có sự im lặng nào là vô cảm. Hình ảnh rõ nét nhất từ cuộc xuống đường vẫn được đưa lên mạng xã hội. Ca khúc vẫn được hát lên. Người trẻ thể hiện điều họ cho là quan trọng: môi trường của họ, cá của các vùng biển đang bị ảnh hưởng, và thiết thân hơn là sự rõ ràng cho những vấn đề đang được thảo luận ngay trên trang báo chính thống.

Trong ngày hôm qua, không có nhà báo nào từ bỏ nhiệm vụ tường thuật. Không có người trẻ nào mù lòa và dại dột. Không có nghệ sĩ nào vô cảm trước những ngư dân nghèo ngồi buồn rầu trên âu thuyền ở tuốt miền Trung xa xôi.

image
Nhiều người tham gia cuộc tuần hành bị cấm chụp ảnh
Thông điệp của họ cũng đơn giản như câu chuyện được bắt đầu: Từ một thảm họa cá chết, giờ đây người dân có thể làm gì để khắc phục hậu quả đó? Nguyên nhân ở đâu? Con của họ, những đứa trẻ lớn lên, sẽ còn gì ở môi trường chúng sống trong tương lai?

Như một phóng viên trẻ nói với tôi: “Tôi sẽ viết tất cả những gì có thể lên báo, đó là cách tốt nhất để người dân ở quê tôi có thông tin trong những lúc rối ren này.” – Quê của phóng viên này ở Quảng Bình, đang là một trong những tâm điểm của thảm họa cá chết này.

image
Không có sự im lặng nào vô nghĩa – dù không một trang báo nào ở Việt Nam mô tả lại gương mặt của trận xô xát sáng Chủ Nhật ở cả hai thành phố.



Lan Phương

image

image

Lê Hoàng Trúc: Hát Cho Đồng Bào Tôi
Nhà nước khủng bố
Cá chết và hình ảnh đất nước
Tuổi thơ dữ dội
Triển lãm không phép ở Huế về cá chết
Máu những bà mẹ Việt đã đổ trong ngày Hiền Mẫu
Sài Gòn - Hà Nội: Nổi Sóng biểu tình
Nước xanh, thủy triều đỏ và sa mạc biển
Cái chết từ từ của Đồng bằng Sông Cửu Long
Huế: Công an 'vào tác phẩm trình diễn’
Đừng vô cảm
Hạn hán Mekong và ‘Cuộc chiến nước’
Vì một bài thơ, cô giáo Lam bị bắt...
Điều giản dị
Chiều Winnipeg
Christina Cao: Giám đốc Dược của 42 bệnh viện
Điếc không sợ súng: Phá rừng làm thủy điện
Anh hùng mũ đỏ Thiếu tá Nguyễn văn Đương
Chửi thề có làm bạn thư giãn không?
Vì sao 'Concorde Mỹ' không bao giờ cất cánh?