Vấn đề không phải rượu hay bia mà là độ mạnh của đồ uống đóng vai trò quyết định?
Nhiều người tin rằng uống cả bia và rượu sẽ gây say bí tỉ. Có đúng không? Claudia Hammond tìm hiểu cùng quí vị.
“Đã rượu thì thôi bia”, đó là lời khuyên trong dân gian nói tránh lẫn bia rượu trong cùng một tối. Ta thường xuyên thấy bạn bè nói bị mệt, khô họng, nhức đầu như búa bổ do đêm hôm trước uống lẫn các loại.
Và rồi có các lý thuyết về thứ tự để uống các thứ đồ khác nhau. Có người nói “Rượu trước bia sau chỉ có chết, bia trước rượu thì chẳng sao hết.” Hay là ngược lại? Sau một vài ly thì người ta đâu còn nhớ mình đã uống thế nào nữa. Vấn đề là bằng chứng đáng tin cậy đến mức nào? Bằng chứng xác đáng không, hay chỉ là giai thoại?
Những nghiên cứu đăng tải năm 2000 cho thấy nguyên nhân chính của triệu chứng nôn nao ê ẩm sau bia rượu là do mất nước, thay đổi mức hormone như aldosterone và cortisol, và là tác động độc hại của chính rượu. Ngoài ra có bằng chứng là hệ miễn dịch bị rối loạn và việc này có thể là nguyên nhân gây nhức đầu, nôn nao và mệt mỏi.
Hai thành phần chính đầu tiên trong đồ uống gây say xỉn là rõ ràng. Mức độ cồn càng cao và uống càng nhanh thì sự nôn nao mệt mỏi càng tệ hại. Tuy nhiên đó chỉ là mức trung bình. Cùng một lượng cồn không luôn dẫn đến cùng một mức nôn nao mệt mỏi.
Nhiều người uống mà không bị nhức đầu và nôn nao ngày hôm sau nhưng không rõ lý do vì sao.
Nhiều người nói rằng họ không bị nôn nao mệt mỏi và không ai biết vì sao. Trong một nghiên cứu của Young Danes vào ngày nghỉ lễ, thì gần 1/3 số người đã uống ít nhất 12 đơn vị cồn (tương đương 2 vại bia hoặc 4 ly 250 ml rượu vang) đã không bị nôn nao mệt mỏi.
Trộn lẫn bia rượu khi uống không hẳn làm tăng tổng lượng cồn hấp thụ, nhưng với rượu cocktail thì có thể tăng. Nếu trộn lẫn 3 hoặc 4 ly đong rượu mạnh cùng một số thành phần khác thì thấy thái dương đập mạnh và và khô cổ, và đó hẳn là do đã hấp thụ tổng lượng cồn nhiều hơn.
Ngoài chất ethanol gây độc, những thành phần chính khác gây say là cái mà công nghiệp bia rượu gọi là congener (chất phụ sinh).
Đó là những chất khác được sinh ra trong quá trình lên men, như acetone, acetaldehyde, dầu rượu, và thứ được biết nhất là ta- nanh mà nó tạo mầu và tạo vị cho loại rượu mầu xẫm. Thí dụ whisky ngô có lượng phụ sinh hơn vodka 37 lần.
Để thấy tác động của những chất này đối với mức nôn nao mệt mỏi, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tuyển mộ những sinh viên thường xuyên uống rượu nhưng không bị nhức đầu. Ở những buổi tối khác nhau, các sinh viên được cho uống hoặc whisky ngô và cola, hoặc vodka và cola, hoặc rượu cola trộn với tonic, với vài giọt whisky ngô hoặc vodka để nó có vị như rượu thật.
Các sinh viên uống từ 3 đến 6 cốc làm sao để đạt 0.11gr cồn trong 10 ml hơi thở, nghĩa là gấp từ 2 đến 5 lần mức cho phép lái xe (tùy luật từng nước).
Họ ngủ tại phòng khám và được đánh thức vào 7 giờ để ăn sáng trước khi tham gia vào một loạt các thử nghiệm. Để làm việc này họ được trả 450 USD. Các nhà nghiên cứu thấy những sinh viên uống whisky ngô nói mức say là tồi tệ nhất, nhưng điều đáng chú ý là họ phản ứng vẫn tốt khi qua các thử nghiệm.
Whisky có nhiều chất 'congeners' (chất phụ sinh) có thể gây nhức đầu sau khi uống nhiều hơn người ta tưởng.
Những rượu trong như rum trắng, vodka và rượu gin có xu hướng gây nôn nao mệt mỏi it hơn vì chứa tương đối ít chất phụ sinh. Có lẽ những người pha rượu cho chúng thích chọn một loại rượu đậm mầu (có chứa nhiều chất phụ sinh hơn) chỉ vì để có được nhiều loại rượu hơn khi pha trộ. Cũng cần phải nói lại rằng không phải bản thân sự pha trộn gây ra nôn nao mệt mỏi.
Không một nhà khoa học nào làm nghiên cứu mang tính đối trọng mà người được thử nghiệm được chọn ngẫu nhiên để uống bia sau đó uống rượu hoặc uống rượu rồi uống bia.
Nhưng có lẽ rằng không phải rượu hay bia mà là độ mạnh của đồ uống đóng vài trò quyết định. Bia chỉ có độ mạnh khoảng 1/3 đến 1/2 rượu vang, nên bắt đầu bằng bia thì ít bị say hơn nếu như sau đó uống cái gì đó mạnh hơn.
Nhưng nếu một người khởi đầu bằng rượu vang hoặc rượu mạnh thì sẽ mất tỉnh táo và rồi uống nhiều hơn nữa. Tất nhiên có bằng chứng rằng người ta không đánh giá đúng về mức độ say của mình. Trước khi uống thì người ta còn cảnh giác nhưng sau vài ly rồi thì dù đã say cũng sẽ nghĩ là mình chưa.
Do vậy, bằng chứng hiện có cho thấy sự say xỉn mệt mỏi không phải do uống lẫn rượu bia.
Nhiều khả năng là do mức congener (chất phụ sinh) cao, hoặc do uống quá nhiều.
Còn về việc khắc phục tình trạng say sau khi uống thì các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu rồi, và Tạp Chí Y Khoa Anh có đăng năm 2005 một tổng kết về thử nghiệm với mọi thứ, từ cây borago đến actixô, từ đường glucô đến trái lê gai. Tin buồn cho những người thích rượu bia là chẳng có một thứ nào là hiệu nghiệm cả.
Claudia Hammond
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét